Nhà giả cổ đến nay đã là một cái mốt tốn tiền. Nhà mới, gỗ mới, nhưng phải làm sao có dáng hình, chất sơn lẫn những vết chạm khắc phải thật giống cổ.
Nắm bắt xu thế, những người thợ ở làng Phù Yên, xã Trường Yên (Chương Mỹ – Hà Nội) bắt đầu sắm sửa đồ nghề, bôn tẩu khắp thiên hạ.
Nửa làng làm “phó mộc”
Theo ông Nguyễn Duy Đông, Trưởng thôn Phù Yên, địa phương có 800 hộ thì hơn nửa số đó tham gia vào công việc xây dựng nhà giả cổ. Cho nên, người nơi khác gọi Phù Yên là “làng phó mộc”. Với hơn 400 hộ tham gia làm nghề, trung bình mỗi hộ hai người là thợ mộc thì ở đây đã có hơn 800 phó mộc lành nghề.
Phù Yên vốn là một làng thuần nông, không có nghề phụ. Vậy, cơ duyên nào khiến cho nơi ấy thành một làng nghề nức tiếng về nhà gỗ giả cổ? Cũng phải nói rằng, không ai gọi Phù Yên là làng mộc cả, chỉ gọi là làng làm nhà gỗ.
Dù là sinh sau đẻ muộn so với Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Chàng Sơn (Thạch Thất), La Xuyên (Nam Định), nhưng tay nghề của thợ mộc Phù Yên lại nổi trội hơn rất nhiều. Những ngôi nhà gỗ giả cổ ở khắp Bắc – Trung – Nam, số nhiều là do thợ Phù Yên thực hiện.
“Nghề này bắt đầu hình thành ở quê tôi từ những năm 1990, một số thợ mộc ở quê lúc đấy cũng chưa biết cách làm nhà gỗ, nhưng rồi họ “bắt mạch” được thị trường nên bảo nhau tìm tòi, nghiên cứu và hình thành nghề từ đó”, ông Đông cho biết.
Từ một vài thợ mộc làm đủ mọi thứ như giường, tủ, bàn ghế. Đến nay, Phù Yên đã được công nhận là làng nghề truyền thống với hơn 100 cơ sở tham gia làm nhà giả cổ.
Chủ tịch UBND xã Trường Yên, ông Trần Văn Hiển cho biết: Làng nghề có ý nghĩa rất lớn bởi đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập khá. Những lao động có tay nghề cao có thể thu nhập 12 – 15 triệu đồng/tháng là chuyện bình thường.
Người đầu tiên vào nghề
Ở làng Phù Yên, ông Nguyễn Chí Điền là người nổi tiếng bởi là người đầu tiên của làng tiếp cận nghề làm nhà giả cổ. Ông Điền năm nay đã quá tuổi 70, nhưng sức vóc và sự đam mê của ông đối với nghề vẫn rất dồi dào.
“Năm 1991, tôi nhận được một công trình làm theo lối gỗ giả cổ. Rất băn khoăn và lo lắng vì tôi chưa làm bao giờ, mặc dù là một thợ mộc nhưng làm nhà nó khác với việc đóng bàn ghế, giường tủ. Nhưng nghĩ, nếu không nhận thì mất cơ hội nên gật đầu”, ông Điền chia sẻ.
Về làng tìm thợ, ông gom đủ 20 người. Suốt mấy đêm cùng nhau ngồi hết kẻ lại vẽ xem cái cột phải cao bao nhiêu, đục bao nhiêu mộng, cái kèo phải bao nhiêu vết chạm và chạm cái gì…
Cứ thế, vừa làm vừa học, làm đến đâu hiểu đến đó. Sau 6 tháng ròng rã, ngôi nhà gỗ giả cổ cũng hoàn thành trước sự thán phục của chủ công trình. 20 người thợ do ông Điền đưa đi vô cùng phấn khởi vì tiền công của họ cao gấp đôi, gấp ba so với làm việc ở nhà.
Bắt đầu từ đó Phù Yên hình thành các cánh thợ chuyên làm nhà gỗ giả cổ. Những xưởng mộc cũ trong làng cũng chuyển hướng làm ăn. Từ việc đóng đồ gỗ gia dụng, họ chuyển sang chuyên làm cửa, làm lan can cầu thang hoặc sập gụ, ban thờ sơn son thếp vàng.
Lại có những xưởng mộc chuyên tiện cột nhà, kèo và ván ốp. Chỉ cần một đơn hàng có các thông số cụ thể, họ sẽ làm cấp tập ngày đêm không ngơi nghỉ. Bởi vậy, những người vốn không biết nghề mộc cũng nhanh chóng trở thành phó mộc sau vài tháng thực hành.
“Tất nhiên, từ sự phát triển đó cũng sàng lọc ra những thợ giỏi và thợ trung bình. Những thợ giỏi sẽ làm những khâu phức tạp như đục mấu, khoét mộng sao cho vừa khít không hở 1 li. Hoặc họ sẽ làm khâu điêu khắc chạm nổi những phần phức tạp. Thợ trung bình thì làm những thứ giản đơn hơn”, ông Điền cho hay.
Nghề “hốt” bạc
“Mình nói đây là nghề hốt bạc, hốt tiền của thiên hạ thì hơi quá, nhưng không sai tí nào. Chỉ những đại gia nhiều tiền lắm của mới dám làm những công trình nhà gỗ giả cổ. Ngày xưa chúng tôi làm công, bây giờ thì hầu hết thầu khoán trọn gói nên đã lãi là lãi nhiều”, ông Điền bật mí.
Nghề làm mộc tại Phù Yên đã có từ lâu, nhưng nghề làm nhà giả cổ thì mới có từ những năm 1990. Đến nay, trong làng có hàng trăm xưởng sản xuất lớn tại gia đình, hàng năm đã đưa ra thị trường trên cả nước những sản phẩm độc đáo. Năm 2016, làng Phù Yên đã được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống.
Ông Trần Văn Hiển,
Chủ tịch UBND xã Trường Yên
Cũng theo ông Điền, giá thành của mỗi ngôi nhà giả cổ hiện nay trên thị trường cao hay thấp còn tùy theo mức độ tinh xảo của những chi tiết được chạm, khắc trên mái, cột nhà như rồng, phượng.
Kiểu nhà càng cổ, họa tiết chạm khắc càng cầu kỳ, tinh xảo, độc đáo bao nhiêu lại càng được săn lùng bấy nhiêu vì không đụng hàng và thể hiện đẳng cấp nên dù đắt đến đâu vẫn không thiếu khách đặt làm.
Bây giờ người ta không còn đi “săn” nhà gỗ cổ nữa vì tính bền vững không cao. Vì thế, nhà giả cổ được thay thế, và chất liệu tùy loại mà giá trị của ngôi nhà được tăng lên. Thông dụng nhất hiện nay vẫn là gỗ xoan và một vài loại gỗ tạp khác.
Tuy nhiên, để có thể sở hữu một căn nhà cổ làm bằng gỗ xoan 3 gian, khách phải bỏ ra số tiền ít nhất cũng từ 300 – 500 triệu đồng với thời gian thi công khoảng 2 tháng. Càng những loại gỗ tốt, gỗ quý hiếm thì giá thành của căn nhà càng cao. Các loại gỗ được các khách ưa chuộng để dựng nhà cổ thường là đinh, lim, sến, táu, mít, gụ, mun… với giá thành những ngôi nhà từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.
“Đặc trưng của nhà giả cổ là mọi chi tiết gỗ được chạm trổ mềm mại, tinh tế và hầu như không dùng đến đinh vít, thay vào đó dùng mộng để lắp ghép. Cách làm này bảo đảm độ bền chắc cho ngôi nhà và hài hòa trong từng thớ gỗ. Chưa kể đó là những hoa văn, họa tiết trang trí trên từng kèo, cột, khiến những người thợ dựng nhà phải bỏ công hàng tháng trời mới hoàn thiện”, ông Điền nói.
Tại làng Phù Yên cũng hình thành nhiều ông chủ lớn gọi là “cai thầu”. Những ông chủ sẽ đi nhận công trình, thỏa thuận giá cả, mẫu mã, tiến độ… và đem hợp đồng về làng. Người trong làng sẽ tùy theo đơn hàng mà nhận làm những chi tiết nhỏ của ngôi nhà gỗ giả cổ.
Nguồn: giaoducthoidai.vn